Chắc hẳn bạn đã từng nghe: uống cà phê rất tốt cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống một lượng cà phê vừa phải mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch. Tuy nhiên, dù những lợi ích này đã được chứng minh nhiều lần, chúng không thực sự cho thấy rằng cà phê có tác dụng làm giảm nguy cơ bệnh tật.
Trên thực tế, việc chứng minh cà phê tốt cho sức khỏe lại rất phức tạp. Bản chất hạt cà phê có cấu tạo hóa học không hề đơn giản, nó chứa nhiều thành phần ảnh hưởng đến sức khỏe con người, theo nhiều cách khác nhau mà chúng ta vẫn chưa thể hiểu tường tận.
Bên cạnh caffein là hợp chất được biết đến nhiều nhất trong cà phê, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều thành phần khác mà chúng ta không hề hay biết. Dưới đây là một số hợp chất được tìm thấy trong cà phê có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Ancaloit: Ngoài caffeine, trigonelline là một alkaloid quan trọng được tìm thấy trong cà phê. Trigonelline ít được nghiên cứu hơn so với caffeine, nhưng một số kết quả cho thấy rằng nó có thể có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Polyphenol: Một số nghiên cứu cho thấy những hợp chất này được tìm thấy trong nhiều loại thực vật, bao gồm cacao và quả việt quất, rất tốt cho tim và mạch máu, đồng thời có thể giúp ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer’s. Cà phê chủ yếu chứa một loại polyphenol được gọi là axit chlorogenic.
Diterpenes: Cà phê chứa hai loại diterpenes là cafestol và kahweol, tạo nên dầu cà phê – loại chất béo tự nhiên tiết ra từ cà phê trong quá trình pha chế. Khác với hai lợi chất kể trên, Diterpenes có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Melanoidin: Được tiết ra ở nhiệt độ cao trong quá trình rang, những hợp chất này làm cho cà phê rang có màu sắc và hương vị đặc trưng thường thấy. Đây là những chất có lợi khi giúp sản sinh prebiotic, làm tăng số lượng lợi khuẩn trong đường ruột và điều này rất quan trọng đối với sức khỏe toàn diện.
Theo nghiên cứu, cách cà phê được trồng, pha chế và uống đều có thể ảnh hưởng đến các hợp chất có trong cà phê và tạo ra những lợi ích sức khỏe mà chúng ta có thể thấy.
Đầu tiên, điều kiện trồng trọt có thể ảnh hưởng đến hàm lượng caffein và axit chlorogenic trong cà phê. Ví dụ, cà phê được trồng ở vùng cao sẽ có cả hàm lượng caffein và axit chlorogenic thấp hơn. Hai loại hạt cà phê là arabica và robusta cũng được chứng minh là cho hàm lượng caffein, axit chlorogenic và trigonelline khác nhau. Song không loại nào được chứng minh là có lợi hơn cho sức khỏe.
Nhiệt độ và cách rang cà phê cũng rất quan trọng. Rang càng lâu ở nhiệt độ cao, cà phê sẽ càng tiết ra nhiều melanoidin và cho hương vị càng đậm. Nhưng điều này lại làm giảm axit chlorogenic và hàm lượng trigonelline.
Ở Anh, cà phê hòa tan là loại cà phê được tiêu thụ nhiều nhất. Đây thường là loại đông khô. Nghiên cứu cho thấy cà phê hòa tan có chứa hàm lượng melanoidin cao hơn trên mỗi khẩu phần so với cà phê phin và cà phê espresso.
Cách chúng ta pha chế cà phê cũng sẽ ảnh hưởng đến thành phần hóa học bên trong nó. Ví dụ, cà phê đun sôi chứa hàm lượng diterpenes cao hơn so với cà phê phin. Các yếu tố khác – như lượng cà phê được sử dụng, cách xay mịn , nhiệt độ nước và kích thước cốc – cũng ảnh hưởng đến thành phần hóa học của cà phê.
Ảnh hưởng của cà phê đối với sức khỏe
Mỗi hợp chất đều có những tác động khác nhau đến sức khỏe của người uống và đó là lý do vì sao cách cà phê được sản xuất và pha lại quan trọng đến như vậy.
Đơn cử như axit chlorogenic trong cà phê được cho là làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách cải thiện chức năng của các động mạch trong cơ thể. Mặt khác, cũng có bằng chứng cho thấy cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu tăng đột biến sau khi ăn.
Chất diterpenes đã được chứng minh là làm tăng mức độ lipoprotein mật độ thấp, một loại cholesterol có liên quan đến bệnh tim mạch. Trong khi không có nhiều nghiên cứu tập trung vào trigonelline và melanoidins , một số bằng chứng cho thấy cả hai đều có thể tốt cho sức khỏe của bạn.
hi pha cùng với kem, đường hoặc siro, hàm lượng dinh dưỡng trong cốc cà phê có thể bị thay đổi. Chúng không chỉ làm tăng hàm lượng calo mà còn có thể làm tăng lượng chất béo bão hòa và đường. Khi đó, cà phê sẽ trở thành thức uống có khả năng tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch và chống lại những lợi ích của các hợp chất khác có trong mỗi tách cà phê.
Cũng có bằng chứng cho thấy một số hợp chất này có thể tạo phản ứng khác nhau tùy vào cơ địa mỗi người. Việc thường xuyên uống từ ba đến bốn tách cà phê mỗi ngày còn được chứng minh là cơ thể có khả năng chịu tác dụng tăng huyết áp của caffeine. Hay di truyền cũng có thể đóng vai trò trong cách cơ thể phản ứng với caffeine và các hợp chất khác.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột là một yếu tố quan trọng trong việc xác định những ảnh hưởng sức khỏe của cà phê. Một số nghiên cứu chứng minh rằng vi khuẩn đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa axit chlorogenic và từ đó có thể xác định xem cà phê có mang lại lợi ích cho sức khỏe người uống hay không.
Các nhà nghiên cứu cần tiến hành thử nghiệm trên diện rộng để xác nhận những phát hiện từ các nghiên cứu nhỏ hơn này, dường như cho thấy cà phê rất tốt cho sức khỏe của bạn. Nhưng trong khi chờ đợi, bạn hãy hạn chế tối đa lượng đường và kem pha chung với cà phê. Và nếu bạn đang có sức khỏe tốt hoặc không mang thai, hãy tiếp tục áp dụng phương pháp tiêu thụ cà phê vừa phải, chọn cà phê phin nếu có thể để hưởng được những lợi ích do cà phê mang lại.
Nguồn: Ars Technica
Thông báo chính thức: Blog Vui Vẻ rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0914311240.
Blog Vui Vẻ sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!